NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | BÓNG TỐI VÀ NHỮNG "TIA SÁNG ẤM LÒNG" TRONG "VỢ NHẶT"

Ngày 09/05/2021 10:59:58, lượt xem: 6552

Đề bài:

Nhà giáo Trần Đồng Minh nhận xét về tác phẩm “Vợ nhặt”: “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ Nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. (Nhà văn trong nhà trường: Kim Lân, NXB Giáo dục, 1999, tr.39).

Trình bày cảm nhận của anh/chị về “bóng tối” và “những tia sáng ấm lòng” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

 

 

Bài viết:

Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Cùng với chất liệu của đề tài làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… đã khai thác tưởng chừng ở mức thấu triệt, song cũng trên mảnh đất xưa cũ ấy nhà văn Kim Lân cũng đã xây cho mình ngôi nhà rất riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức với thời gian. “Vợ nhặt” của Kim Lân chính là “ngôi nhà” đó. Bàn về tác phẩm, nhà giáo Trần Đồng Minh cho rằng: “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ Nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. “Bóng tối” và “những tia sáng ấm lòng” là giá trị cốt lõi của cả câu chuyện.

 

Được nhắc đến như một cây bút chuyên viết truyện ngắn, Kim Lân rất có duyên viết về con người và làng quê Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Tiền thân của truyện ngắn là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và bị thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. Truyện là bài ca về tình người, về lòng lạc quan và niềm khát sống mãnh liệt của những con người sống trong tận cùng của đói khổ.

 

“Nhà văn dùng “Vợ nhặt” làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. Đó là lời nhận xét xác đáng về tác phẩm “Vợ nhặt”. “Bóng tối” là u ám, là khó khăn, là bối cảnh bao trùm tác phẩm mà tác giả tái hiện từ hiện thực thê thảm của dân tộc - nạn đói 1945. Những phút giây ấy, thế hệ cha ông ta mỗi lần kể lại là thêm một lần rùng mình. Phải nói là quá thảm khốc. Từ “bóng tối” phần nào phản ánh được thực trạng xã hội bây giờ - bóng tối lạnh lẽo của đói khát, của cuộc đời quẩn quanh, bế tắc trong chính những con người lao động. Thế nhưng trong những quẩn quanh và bế tắc ấy, “những tia sáng ấm lòng” đã xuất hiện dưới ngòi bút của Kim Lân, giúp xua tan bóng tối, dẫn đường đến tương lai. Trong sâu thẳm mờ mịt, “những tia sáng ấm lòng” của tình thương, lòng nhân ái đã lóe lên trong tâm hồn những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, bà cụ Tứ hay thị, loé lên cả những khát vọng, niềm tin vào một mai tươi sáng hơn. Kim Lân - nhà văn của làng quê Việt Nam, bằng cách đem vào thiên truyện của mình vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống như điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Cũng chính sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng trong tác phẩm, người đọc đã nhìn thấy giá trị hiện thực và quan điểm nhân đạo mới mẻ của ngòi bút Kim Lân.

 

Trước hết, “bóng tối” bao trùm cả tác phẩm là nạn đói khủng kiếp năm 1945, làm hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Tác giả đã có những dòng tả thực vừa rờn rợn, vừa bình thản, bất lực như chính cái hoàn cảnh lúc đó: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào.” Bức tranh xóm ngụ cư trong nạn đói hoành hành là người sống người chết lẫn lộn. Người chết “như ngả rạ”, “nằm ngổn ngang, còng queo” đầy đường, đầy chợ, người sống thì bồng bế nhau lũ lượt khắp nơi kéo về, “vật vờ như những bóng ma”. Cái đói được miêu tả bằng những màu sắc và âm thanh ghê rợn, đó là “màu xanh xám” của những người đói khát hay màu đen của đám quạ trên mấy cây gạo, là tiếng quạ gào lên “từng hồi thê thiết” đến những tiếng “hờ khóc” vẳng lại từ những nhà có người chết đói. Cái đói còn hiện hình qua mùi, đó là "mùi gây của xác người” và cả “mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”. Trong đêm thị theo Tràng về làm vợ, giữa đêm tân hôn của hai vợ chồng trẻ, len lỏi giữa những suy nghĩ, hành động của nhân vật, Kim Lân vẫn miêu tả đan xem không khí chết chóc, vẫn nghe “tỉ tê tiếng khóc hờ”. Nạn đói ám ảnh như Nam Cao đã từng nói: “Có lẽ cho đến những năm 2000, con cháu chúng ra cũng phải kể cho nhau nghe để rùng mình”.

 

Đâu chỉ có thế, cái đói, cái chết còn hiện hữu trong hoàn cảnh từng nhân vật, nhất là thị. Thị không tên tuổi, không nghề nghiệp, không quê quán. Không phải nhà văn không đặt nổi cho nhân vật một cái tên mà đó chính là dụng ý nghệ thuật. Thị vô danh nhưng đại diện cho toàn thể nhân dân lúc bấy giờ. Trong lần gặp thứ hai của Tràng và thị, Tràng thấy: “Thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Ấy là khi, tử thần đã vẽ những nét đầu tiên lên khuôn mặt thị. Cái đói cái chết cận kề, nó không buông tha cho ai, nghiệt ngã và cay đắng. Cũng vì đói, con người trở nên rẻ rúng. Thị được nhặt về làm vợ như một món hàng không hơn không kém. Vì miếng ăn, vì muốn chạy thoát khỏi cái đói mà thị sẵn sàng theo không một người đàn ông về làm vợ chỉ qua hai lần gặp gỡ, bốn bát bánh đúc, mấy câu bông đùa. Thị đã đánh mất lòng tự trọng, trở thành kẻ trơ trẽn một cách đáng thương. Cũng vì cái đói, con người ta phải dè dặt, trở nên chua chát. Khi Tràng dắt thị về, những người dân xóm ngụ cư thi nhau bàn tán về việc Tràng có vợ "Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?". Rồi cũng vì cái đói, Tràng không có tiền để cưới vợ, bà cụ Tứ đón con dâu mới không có lấy nổi một mâm cơm cúng gia tiên. Bữa cơm đầu đón nàng dâu chỉ một lùm rau chuối thái rối với nồi cháo cám đắng chát, nghẹn bứ trong cổ họng. Nếu cái đói là một phép thử nhân phẩm, nhân cách, giá trị con người thì kết quả thật chua xót, đắng cay. Cái đói thực sự là một thảm họa khủng khiếp, nó cuốn phăng đi bao nhiêu sự sống, làm sa sút nhân cách con người. Qua đó, ta thấy được những tội ác man rợ của phát xít Nhật và sức tố cáo xã hội to lớn của tác phẩm.

 

Trên bức phông nền hiện thực tăm tối ấy, tưởng chừng như con người sẽ chết chìm trong vô vọng thì sự xuất hiện của những khát khao, của tình yêu thương “đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”, xua tan bớt những khổ đau và tiếp thêm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Tràng và thị đều là những con người khốn khó nhưng họ chọn trao cho nhau tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Anh cu Tràng ngay trong cái đói vẫn rất hào phóng, mời thị ăn một chập bốn bát bánh đúc, mua cho thị cái thúng con, ra hàng cơm đánh một bữa no nê... ban đầu cũng "chợn" nhưng ngay lập tức "hắn tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ!". Tràng tỏ ra hân hoan, sung sướng với niềm vui vợ mới mặc kệ cái đói đeo bám phía sau. Không những thế, Tràng còn hào phóng mua hai hào dầu, thắp cho căn nhà sáng sủa hơn. Bà cụ Tứ vui mừng chấp nhận người dâu mới trong sự bao dung, ân cần, thương xót: "Chúng mày đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng".

 

Chính tình yêu thương ấy đã làm thay đổi mỗi con người trong gia đình nhỏ và thắp lên trong họ tia sáng của niềm lạc quan và lòng ham sống mãnh liệt. Anh cu Tràng trở nên gắn bó với ngôi nhà mình hơn, ấp ủ tương lai "hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy", thấy một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng, thấy cần có trách nhiệm với vợ, con sau này. Thị lúc trước chao chát chỏng lỏn, từ khi theo Tràng về dịu dàng, bẽn lẽn, ý tứ biết bao. Chi tiết thị gạt nhanh miếng cháo cám vào miệng, mặt điềm nhiên như không cho ta thấy thị là một người phụ nữ biết điều, ý tứ. Thị cũng xăm xắn chăm lo cho gia đình nhỏ: dọn dẹp, nhặt cỏ, giặt giũ, lấy nước... đảm đang lắm! Bà cụ Tứ dẫu gần đất xa trời vẫn toàn nói những chuyện vui: chuyện nuôi gà, làm chuồng gà, luôn động viên các con "ai giàu ba họ ai khó ba đời",... Niềm vui lớn lao tràn ngập căn nhà khiến bà cụ trở nên nhanh nhẹn hơn, "cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên"... Đằng sau mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ, cử chỉ, hành động của các nhân vật đều chất chứa khát vọng sống, hướng tới ánh sáng của của một cuộc sống mới, no ấm đầy đủ hơn, tươi vui hạnh phúc hơn.

 

Trong bữa cơm ngày đói sáng hôm sau, thị nói chuyện phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Hình ảnh đám người đói và lá cờ Việt Minh bay phấp phới hiện lên trong trí óc Tràng đã dự báo một cuộc đổi đời cho họ sẽ không xa. Đó là cách tác giả thực hiện sứ mệnh văn chương của mình “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị số phận đen đủi dồn đến chân tường”. Kết thúc truyện ngắn, Kim Lân dừng lại ở buổi sáng hôm sau Tràng lấy thị. Buổi sáng ấy phải chăng là hi vọng về một tương lai mới, rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Kết thúc này khác với kết thúc chị Dậu chạy trong đêm tối cùng quẫn, không lối thoát của “Tắt đèn” - Ngô Tất Tố. Rõ ràng, “những tia sáng ấm lòng” trong “Vợ nhặt” là cả quá trình phát triển của một giai đoạn văn học Việt Nam gắn với hiện thực xã hội. Chính nhà văn Kim Lân khi nói về “Vợ nhặt” này đã cho biết: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".

 

Có thể thấy, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã tái hiện tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói năm ấy đã trở thành một thời kỳ đen tối trong lịch sử của dân tộc. Đó là hệ quả của những chính sách hà khắc, vô nhân tính của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chúng đã đẩy dân ta vào đường cùng, khiến nhân dân ta lâm vào cảnh lầm than, đói khổ và bế tắc. Qua đó, nhà văn tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và khẳng định tội ác mà chúng đã gây ra cho mảnh đất, con người Việt Nam và thể hiện niềm cảm thương, chia sẻ của tác giả trước những đau đớn, mất mát mà người nông dân nghèo đang phải đối mặt. Thông qua nhân vật, tác phẩm ca ngợi sức sống mãnh liệt, khao khát được yêu thương, được sống hạnh phúc với gia đình nhỏ và niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đợi họ mặc cho cái chết đang đeo đuổi và có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Và Kim Lân đã tìm ra hướng mở đường cho chính những con người đang trong cảnh “cùng đường tuyệt lộ” đó. Cách mạng chính là con đường đưa họ thoát khỏi cuộc sống khốn cùng này mà đến gần hơn với hi vọng, cuộc sống tốt đẹp với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong suy nghĩ của Tràng ở cuối truyện hứa hẹn về một tương lai độc lập, tự do, ngập tràn ánh sáng. Để thể hiện những giá trị hiện thực và nhân đạo đó, Kim Lân đã sử dụng bút pháp miêu tả tâm lí, thế giới nội tâm nhân vật tinh tế, ngôn ngữ gần gũi, giản dị, mộc mạc mang đậm dấu ấn của vùng nông thôn Bắc Bộ - một trong những đặc trưng trong phong cách sáng tác của Kim Lân. Đặc biệt, tác giả có cách xây dựng tình huống truyện độc đáo. Ông đặt nhân vật vào hoàn cảnh éo le để họ được bộc lộ hết những phẩm chất tốt đẹp của mình. Lối kể chuyện của Kim Lân đầy hấp dẫn, tuy không kịch tính nhưng sự sắp xếp các chi tiết gây được sự hứng thú, tò mò cho người đọc. Đúng như nhà giáo Trần Đồng Minh nhận xét: “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”.

 

Đọc “Vợ nhặt” của Kim Lân ta chợt nhớ về Sê - khốp Nhà văn Nga từng nói: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Qua truyện ngắn này ta đã bắt gặp được một Kim Lân, một nhà văn, một nghệ sĩ chân chính như thế. Ông đã bắc chiếc cầu nối đẹp đẽ cho quá khứ và hiện tại, cho các thế hệ mai sau biết về một thời kỳ gian khó mà chứa chan tình người của dân tộc Việt Nam. Những trang văn đậm “tình người” của Kim Lân sẽ còn sống mãi trong trái tim độc giả như cách độc giả nhớ về ông - người nghệ sĩ chất phác, đôn hậu của làng quê Việt Nam.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan